Là loài cây thân gỗ, sinh trưởng nhanh, có khả năng tái sinh chồi và hạt mạnh, thích hợp với nhiều loại đất từ chua nhẹ đến trung tính, sinh trưởng tốt nhất trên đất pha cát, có thể chịu được đất sét, có khả năng chịu khô hạn tốt.
Cây rau chùm ngây tên khoa học Moringa oleifera Lamk, tên thương mại Moringa có nguồn gốc ở miền Bắc Ấn Độ và hiện nay đã có mặt ở hầu hết các vùng nhiệt đới. Cây chùm ngây có thể sinh trưởng ở nơi có lượng mưa bình quân hàng năm từ 250 – 3000mm. Sinh trưởng tốt nhất ở độ cao 600m đến dưới 1000m. Biên độ nhiệt 25 - 40 độ C.
Cây chùm ngây 8 tháng tuổi bắt đầu cho hoa; thời gian ra hoa từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm; quả chín vào tháng 4,5. Quả hạch, có 3 cạnh dài 35-55cm, hạt có cánh mỏng bao quanh, chứa dầu.
Loài cây này có nhiều công dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.
Tất cả các bộ phân của cây từ rễ, vỏ, lá, hoa, quả và hạt đều có thể sử dụng được. Cây Chùm ngây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, là một nguồn cung cấp chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics. Một giá trị đặc biệt chỉ có ở cây Chùm ngây đó là khả năng cung cấp một hỗn hợp pha trộn nhiều hợp chất quí như zeatin, quercetin, beta-sitosterol caffeoylquinic acid và kaempferol, điều này rất hiếm gặp tại các loài cây khác.
Hiện nay, cây chùm ngây đang được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, nhiều bà con đưa vào trồng, nhằm phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng cây chùm ngây tới bà con:
1. Chuẩn bị hạt giống
a) Thu hái giống: Giống được thu hái trên các cây mẹ từ 2 tuổi trở lên. Quan sát vỏ quả chuyển từ xanh sang màu nâu hoàn toàn thì bắt đầu thu hái. Dùng cù nèo cắt từng cành nhỏ có chứa quả.
b) Chế biến hạt
Quả sau khi mang về phải phân loại, loại bỏ những quả nhỏ cùng tạp vật, phơi khô dưới nắng nhẹ 2-3 ngày, tách hạt khỏi vỏ quả, sau đó sàng làm sạch hạt.
- Một số thông số cơ bản:
+ Trọng lượng 1.000 hạt: 137,75gram.
+ Độ ẩm ban đầu: 12,37%.
+ Độ thuần: 99%
+ Tỷ lệ nẩy mầm: 92%
+ Hàm lượng nước sau chế biến: 8%
c) Bảo quản hạt giống
- Bảo quản thường: đựng hạt vào thùng gỗ hoặc đựng trong các hộp nhựa có nắp, bảo quản trong điều kiện môi trường bình thường có thể kéo dài sức sống của hạt đến 6 tháng, nhưng tỷ lệ nảy mầm giảm đến 20%.
- Bảo quản ở nhiệt độ khô mát (10 độ C), ẩm độ của hạt khi đưa vào bảo quản từ 8-9% có thể duy trì sức sống của hạt đến 1 năm.
2. Kỹ thuật gieo ươm
a) Kiểm nghiệm hạt giống
- Ngâm trong nước ấm 45 độ C để nguội dần trong 10-12 giờ.
- Nền kiểm nghiệm: trên giấy thấm hoặc trên cát
- Nhiệt độ : 25 – 30 độ C
- Ánh sáng tự nhiên, hoặc ánh sáng điện
- Thời gian nẩy mầm sớm nhất: 3 ngày sau khi gieo
- Thời gian kết thúc nẩy mầm: 7 ngày sau khi gieo
Phương pháp xác định nhanh sức sống của hạt: mổ hạt những hạt chắc và nội nhũ màu trắng là những hạt còn sống, những hạt nội nhũ màu vàng hoặc xám là những hạt đã chết.
b) Gieo hạt:
Trước khi gieo hạt, rửa sạch và ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 0,05% trong vòng 3 phút; tiếp tục vớt ra rửa sạch, ngâm trong nước 45 độ C và để nguội dần trong vòng 10-12 giờ; vớt ra, rửa sạch, cho vào bao tải ủ và rửa chua hàng ngày. Khoảng 3-5 ngày, hạt nứt nanh thì đem gieo trên luống gieo hoặc cấy trực tiếp vào bầu. Trên luống gieo, khi cây con được 4-5 tuần tuổi thì nhổ cấy vào bầu.
- Bầu có kích thước 12x20cm, thành phần ruột bầu: Đất tầng AB 50% + Bột xơ dừa 30% + Phân chuồng hoai 20% + lân (3gr/kg giá thể) + kali (0,35g/1kg giá thể). Trước khi trộn hỗn hợp ruột bầu, đất được xử lý bằng cách phơi ải để loại trừ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây con như sâu hại, nấm bệnh và cỏ dại.
Sau khi xử lý đất, trộn hỗn hợp ruột bầu với tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng nêu trên, dùng sàng lưới thép có mắt rộng 0,5-1cm để sàng lấy đất nhỏ đóng bầu. Hỗn hợp này được trộn đều với bột thuốc trừ nấm sinh học (COC 85) theo tỷ lệ: 100 gr/1m3 hỗn hợp và ủ từ 12-14 giờ mới đưa ra sử dụng.
c) Chăm sóc cây ươm:
- Tưới nước: Trong tháng đầu, mỗi ngày tưới 2 lần (sáng và chiều). Mỗi lần chỉ tưới một lượng nước đủ ướt mặt luống (2-3 lít/m2). Từ tháng thứ 2 trở đi, tưới một ngày 1 lần và tăng lượng nước tưới mỗi lần lên (4-5 lít/m2).
- Che nắng, che mưa, gió: Trong nửa tháng đầu sau khi cấy, tỷ lệ che bóng 50% , sau đó dỡ dần giàn che và dỡ hoàn toàn ở đầu tháng thứ 2.
- Làm cỏ, phá váng: Khi cây còn nhỏ, 1 tuần làm cỏ một lần. Giai đoạn cây lớn, 2- 3 tuần làm cỏ một lần. Dùng bay hoặc que nhỏ xới nhẹ, sâu khoảng 5 -10mm, xới xa gốc, tránh làm cho cây con bị tổn thương, cứ 10-15 ngày xới váng một lần.
- Bón phân:
-> Sau khi cấy 3 tuần mới bón thúc lần đầu; sau đó cứ 2 tuần bón thúc một lần bằng NPK pha loãng 1%. Sau khi tưới phân, dùng nước lã tưới rửa lại lá, lượng nước rửa 2lít/m2.
->Trong lần bón cuối cùng, chỉ sử dụng phân lân và phân kali để làm cho cây cứng cáp trước khi xuất vườn. Liều lượng tưới: pha với nồng độ 0,2%, tưới 2,5 lít/1m2.
-> Trước khi xuất vườn 2-3 tuần, ngừng hẳn việc tưới phân để hãm cây.
- Đảo bầu, cắt xén rễ:
-> Đảo bầu: Khi cây cao 8-10cm, cần phải phân loại, xếp cây lớn riêng, cây nhỏ riêng để tiện chăm sóc.
-> Cắt xén rễ: Việc cắt, xén rễ cho cây con ở vườn ươm nhằm kích thích cây mọc thêm nhiều rễ con, tăng độ đồng đều của các cây, đồng thời không để cho rễ cây bị cong hoặc ăn sâu vào đất khó đánh bầu đi trồng.
- Thời gian nuôi cây trong vườn:
Trồng làm rau ăn và thu hoạch lá: cây con 5-6 tuần tuổi, đạt chiều cao 20cm trở lên, đường kính gốc 2,0mm.
Trường hợp trồng cây lấy quả/Trồng cải tạo đất nghèo/Trồng làm nọc tiêu, nọc trầu…: cây con đạt 2,5-3,0 tháng, cây đạt chiều cao từ 35cm trở lên, đường kính gốc >=3,5mm.
- Phòng trừ bệnh thối cổ rễ cho cây con, bằng thuốc boócđô pha nồng độ 0,5 – 1%, phun 1 lít/4m2. Nhìn chung, cây Chùm ngây rất ít bị sâu bệnh. Chỉ cần làm tốt công tác vệ sinh và khử trùng vườn ươm là an toàn cho cây con.
3. Kỹ thuật gây trồng và thu hoạch rau
Lên luống rộng 1,2-1,5m; cao 20-30cm. Bón lót: 10 tấn phân chuồng/ha (hoặc sử dụng 1-1,5 tấn phân hữu cơ chế biến cho 1ha) + 100 kg phân lân (P2O5) + 60 kg kali. Cào luống cho bằng phẳng, sau đó cấy cây (có thể gieo hạt trực tiếp trên luống gieo). Khoảng cách trồng cây x cây = 40cm, hàng cách hàng = 50cm.
Trường hợp trồng ở những nơi cao ráo, thoát nước thì không cần phải lên luống.
- Chăm sóc cây sau khi trồng: Tưới nước giữ ẩm cho cây. Sau khi trồng 1-2 tuần, tiến hành kiểm tra và trồng dặm ngay những cây bị chết. Làm cỏ vun gốc định kỳ 1 lần/tháng, kết hợp bón thúc phân NPK (30-10-10) xen kẽ với NPK (20-20-20).
- Thu hoạch lá: Sau khi trồng 2 tháng, cây đạt chiều cao 35-40cm đã có thể cho lứa thu hoạch lá đầu tiên. Ở lần thu hoạch này, năng suất lá chưa cao, chỉ khoảng 150-300gr lá tươi/cây. Sau mỗi đợt thu hoạch tiến hành bón thúc cho cây để kích thích sinh chồi, mỗi tháng thu hoạch lá một lần. Thông thường từ lần thu hoạch thứ 3 trở đi, năng suất lá mới bắt đầu ổn định, từ 500-900gr lá tươi/cây.
Hiện nay giá bán rau Chùm ngây tươi tại một số siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh từ 70.000-80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, sản phẩm khô từ lá và thân Chùm ngây cũng được bán với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg.
(Theo BC tham luận của Ths Vũ Thị Quyên tại Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ "Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau hoa")
Chùm ngây là loại cây có xuất xứ từ vùng Nam Á. Loại cây này trước đây ...
Cây chùm ngây có thể gây trồng từ hạt, từ hôm thân, cành và từ hom củ.
Các quốc gia đang phát triển sử dụng Moringa như dược liệu kỳ diệu kết hợp chữa ...
Rau chùm ngây là loại thực phẩm quý đối với sức khỏe chúng ta, có chứa dưỡng ...
Chùm ngây hay ba đậu dại - Moringa oleifera là loài thực vật thân gỗ phổ biến ...
Vỏ thân được dùng trị nóng sốt, đau dạ dày, đau bụng khi có kinh, sâu răng, ...